Cách bài trí bàn thờ thần tài mang lại tiền bạc, của cải

The Gioi Phong Thuy

Theo tín ngưỡng dân gian, thần tài mang lại tiền bạc, của cải cho mỗi gia đình, nhất là những gia đình buôn bán hay kinh doanh, đều có bàn thờ thần tài để cầu xin cho “mua may bán đắt”.

ban-tho-1417764294209

Theo ý nghĩa phong thủy hiện đại, mọi gia chủ (kinh doanh hay không kinh doanh) đều có thể bài trí bàn thờ thần tài để đón vận may cho mình cũng như người thân trong gia đình về mặt tài chính.

Nguyên tắc chung khi đặt bàn thờ thần tài là không được đặt trên cao nhưng phải ở vị trí có thể quan sát hết sự ra vào của khách khứa. Bàn thờ thần tài phải tiếp âm, ở dưới đất, nếu ở nhà hay cửa hàng, phải để dưới tầng một. Nhưng sắp đặt như thế nào thì trước mặt bàn thờ cũng phải quang đãng, sạch sẽ.

Hướng bàn thờ

Cách sử dụng cóc ba chân theo thời gian

Để đón vận may tài chính, buổi sáng trước khi đi làm hay đi ra ngoài có thể quay đầu cóc ra phía ngoài, sau giờ đi làm về nhà quay đầu cóc vào trong bàn thờ vì nó chỉ ăn tiền nhưng không bài tiết. Tối về đến nhà là nhả tiền đã nuốt ra cho gia chủ.
Về hướng bàn thờ thần tài vẫn tuần thủ theo nguyên tắc người ở mệnh nào thì hợp trạch mệnh đó, đặt theo hướng tốt của chủ nhà, có thể đặt theo cách hướng lấy dòng khí bên ngoài khi vào nhà. Có thể dùng phương pháp điểm thần sát để tính, chọn lấy các cung Thiên lộc, Quý nhân để đặt vị trí bàn thờ.

Thiên lộc: Lộc là phương Lâm quan của Tuế Can, tính của Ngũ hành, Lâm quan tới cát. Lâm quan là thời đang lên, là đúng sinh thành, ở tại lộc mà chưa tới vượng, bởi đã ở vượng thì thành thái quá, có thể chuyển thành hung bại. Lộc là chính Môn sẽ đem lại nhiều may mắn về tiền bạc, gia sản thăng tiến, điền trang vượng. Thường sinh người béo tốt, thông minh, tuấn tú lại khéo léo, tài năng kinh doanh giỏi, làm ăn tiến phát. Tuy nhiên cũng cần phải tránh xa Mộ, Không vong, Tử, Tuyệt vì như thế sẽ làm khí tán, có lộc cũng như không. Nếu gặp Thai khí thì mặc dù vẫn phát đạt nhưng con trai tài hoa mà kiêu ngạo, con gái thì khả ái nhưng nghỗ nghịch. Trong gia đình hay sinh loạn, mất đoàn kết, gia đạo chẳng yên.

Quý nhân: Là vị thần đứng đầu cát thần, hết sức tĩnh mà có thể chế ngự được mọi chỗ động, chí tôn mà có thể trấn được phi phù. Nhà có chính môn ra Quý là cát khánh, gia đạo bình an, hòa thuận, hỉ khí đầy nhà, gặp nhiều may mắn. Quý nhân gặp Sinh, Vượng thường sinh người hiếu lễ, tính tình nhanh nhẹn, lý lẽ phân minh, thẳng thắn mà ôn hòa. Nếu ngộ Không vong, Tử, Tuyệt thì nguồn phúc giảm đi nhiều, hoặc nếu có mắc cạn cũng khó tránh, bởi nguồn giải cứu kém hiệu lực, dễ bị tổn thất, kiện cáo, thị phi. Quý nhân ra Thai khí, nam nữ tuy thông minh, tuấn tú nhưng nam thì háo sắc, nữ thì đa đoan, gia đạo chẳng yên, hay mắc bệnh tật và nhiều điều không như ý. Bàn thờ đặt trên cung Quý nhân là đại cát khánh, sẽ được Âm linh phù trợ. Không được để phòng vệ sinh, phòng tắm vào cung Quý nhân, vì như vậy sẽ gặp họa liên tiếp.

Cách bài trí

Thông thường sẽ sắp đặt theo hướng từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Thần tài gồm có hai loại là văn thần tài và võ thần tài. Văn thần tài là Tài Bạch tinh quân và Tam Đa tinh quân. Tài Bạch tinh quân tượng trưng cho vị Thần chuyên quản tiền tài vàng bạc của thiên hạ nên người ta hay đặt tượng Thần nơi tài vị. Tam Đa tinh quân chính là Phúc Lộc Thọ (tam tinh). Phúc tinh tay ôm đứa bé tượng trưng có con thì vạn sự đủ phúc khí. Lộc tinh mặc triều phục sặc sỡ, tay ôm ngọc như ý tượng trưng cho sự thăng quan tiến chức, thêm tài tăng lộc. Thọ tinh tay ôm quả đào thọ tượng trưng cho an khang trường thọ. Trong ba vị chỉ có Lộc tinh mới là thần tài nhưng do xưa nay, ba vị thường đi chung không rời nên người ta luôn làm chung tượng. Nếu đặt cả tam tinh vào tài vị thì cả nhà an vui, hạnh phúc, phúc lộc cùng đến. Những người giữ chức vị về văn, làm về chính trị, đại loại liên quan đến bút mực con dấu thì nên đặt tượng văn thần tài nơi tài vị.

Võ thần tài gồm có Triệu Công Minh miệng đen mặt đen, chuyên thống lĩnh bốn vị thần Chiểu Bảo, Nạp Trân, Chiêu Tài, Lợi Thị vừa giúp tăng tài tiến lộc vừa có thể hàng ma phục yêu và Quan Thánh Đế, chính là nhân vật Quan Công trong Tam quốc diễn nghĩa giúp chiêu người tài, tiến bảo, làm ăn thuận lợi, tai qua nạn khỏi, trừ tà hộ thân. Những người làm quan võ, theo nghiệp lính hay kinh doanh nên thờ võ thần tài hoặc đặt tượng ở phương tài vị, hướng ra cửa. Có một số người còn đặt cả hai tượng Khổng Minh và Quan Công có ý nghĩa hóa sát tà khí, đuổi bọn tiểu nhân, thuận lợi trong kinh doanh.

Ngoài thần tài thì trên bàn thờ có thể bài trí thêm các yếu tố sau để gia tăng vận may tài chính:

Bài vị thần tài: Thường được thể hiện bằng chữ viết “Chiêu tài tiến bảo” hoặc hai bên thành của bàn thờ có viết câu đối “Thổ năng sinh bạch ngọc – Địa khả xuất hoàng kim” (Thổ hay sinh ngọc trắng – Đất cũng cho vàng ròng). Phía trước bài vị còn có một trăm thoi vàng giấy.

Thần thổ địa: Có rất nhiều truyền thuyết khác nhau về thần thổ địa song có thể coi đây là vị Thần đã từ thần đất chuyển hóa thành thần người, biểu lộ tinh thần Trời người hợp một của người Trung Quốc, thành ra quan niệm có tính cách đa thần, dung hợp được chủ thể và khách thể một cách hài hòa.

Lọ đựng hương thắp và lọ cắm hoa: Thường làm bằng sứ, cũng có thể bằng chất liệu đá xanh. Hoa dùng để thờ nên dùng hoa tươi, không nên dùng hoa khô. Trong lọ hương thắp có thể cắm các cành lộc do đi lễ chùa, đền.

Bát hương: Thường làm bằng ba chất liệu cơ bản là sứ, kim loại, đá (ngọc). Khi bốc bát hương cần để cơ thể sạch sẽ, không uống rượu, không ăn thịt chó, không quan hệ với người khác giới nếu không sẽ mất linh nghiệm nhất định. Cốt bát hương gồm có cốt giấy ghi rõ địa chỉ, thần tài, bọc lấy phần cốt bên trong gồm vàng, bạc, vụ đá nhỏ. Tro phủ lên trên cốt không được ẩm mốc, để nơi khô thoáng. Sauk hi bốc xong thì nhờ các bậc thạc đức minh sư khai quang hoặc mang lên chùa để trên ban đức ông khoảng một tuần thì mới mang về. Không được dùng khăn ướt để lau bàn thờ, vì bàn thờ mệnh Hỏa, mà Thủy khắc Hỏa, không tốt.

Đĩa đựng ba chén gạo, muối, nước, rượu: Phải làm mới khi thắp hương khấn vái thần tài. Khi hương đã tàn có thể dùng muối, gạo ném ra tứ phía có nghĩa phân phát cho chúng sinh, còn nước đổ đi, rượu có thể tưới lên vàng mã đã hóa xong. Không được đổ nước lên vàng mã đã hóa. Có nơi dùng ba lọ đựng gạo, muối, nước chỉ đổ đi làm lễ tất niên, thức cúng thì thay bằng năm chén đựng nước (rượu) tượng trưng cho ngũ hành.

Cóc ba chân: Được làm từ nhiều chất liệu như kim loại đồng, đá, ngọc. Bằng đá ngọc là tốt nhất vì đá thuộc hành Thổ mà ở Bát vận thì Thổ vượng tướng. Cóc ba chân ngậm đồng tiền cổ, tốt nhất là loại Càn long thông bảo hoặc ít nhất đồng tiền đó đã xuất hiên trên một trăm năm đang quay đầu vào nhà. Trên đầu cóc có hình lưỡng nghi (hình tròn), bên trong có hình tượng như hai con cá quay đầu lại với nhau giống như ở trung tâm của gương Bát quái. Trên lưng cóc có những nốt sần đặc biệt, hay còn gọi là chòm sao Đại hung. Bên cạnh lưng cóc có mang theo hai xâu tiền cổ và ba chân cóc đạp lên hai lớp tiền cổ, chỉ có ba chân, không phải bốn chân như có bình thường, chân thứ ba mọc từ hậu môn. Cóc ba chân chỉ có thể đặt ở bàn thờ thần tài, không đặt ở phòng tắm hay nhà vệ sinh dễ dẫn đến hệ quả cóc hấp thụ khí xấu trở thành hung vật có hại đến phong thủy.

Ngoài ra, gia chủ cũng cần lưu ý: Nơi đặt bàn thờ thần tài nên sáng sủa, quang minh. Sáng là năng lượng dương, thích hợp với dương khí. Tuyệt đối không nên để tối, nếu thiếu ánh sáng tự nhiên thì thắp thêm đèn. Đồng thời nên có tường che chắn, không để trổ cửa, có vậy mới hợp cách cục tang phong tụ khí, tài vận mới tụ được. Bên cạnh đó, nên đặt vật hay biểu tượng cát tường bởi phương này là nơi vượng khí ngưng tụ, nếu đặt thêm một biểu tượng cát khánh thì tốt càng thêm tốt. Nơi tài vị cũng tối kỵ nước vì nơi đây là cát thần tọa vị, đem nước đến sẽ thành “cát thần lạc thủy”, tốt thành xấu.

Việt Hà (ghi)

The Gioi Phong Thuy

Hotline 24H Facebook Messenger