Những lưu ý phong thủy trước khi chuyển nhà
Gia chủ nên suy nghĩ kỹ trước khi có những quyết định thay đổi về phong thủy nhà ở cũng như văn phòng. Bởi đôi khi, những dịch chuyển không đúng có thể làm bạn mất đi nhiều thứ giá trị.
Kinh tế khủng hoảng, bạn có thể phải chuyển đến một địa điểm mới, lý do tích cực hoặc tiêu cực. Điều đó đòi hỏi bạn phải có khả năng thẩm định để vị trí mới trở nên tốt nhất có thể, do vậy, hãy lưu ý một vài điều dưới đây khi bạn có ý định thay đổi phong thủy.
1. Không nên vội vàng thay đổi hoặc đưa ra những giải pháp “trấn yểm” mà bạn không hiểu nguyên lý. Nếu công ty của bạn làm ăn tốt nhưng nhất thời bị ảnh hưởng về doanh thu hoặc gặp trục trặc do khủng hoảng nhưng địa hình, môi trường xung quanh chưa có sự thay đổi đáng kể thì bạn cần tìm hiểu kỹ càng trước khi can thiệp.
Đối với nhà ở cũng vậy, hãy bình tĩnh đối phó, chấp nhận sự suy giảm nhất thời để ổn định và chờ đợi cơ hội. Giải pháp tối ưu lúc này là hãy làm mới lại ngôi nhà, công ty của mình bằng việc thanh lý bớt đồ cũ, giặt lại rèm cửa, lau sạch cửa kính, làm sạch sẽ khu vực bếp, nhà vệ sinh, củng cố lại các bộ phận nòng cốt, tiết giảm những thứ rườm rà.
2. Không nên thay đổi địa điểm văn phòng làm việc của công ty để tiết kiệm chi phí nếu như mọi thứ vẫn đang tốt. Bạn có thể tiết kiệm được ít tiền thuê văn phòng nếu chuyển sang địa điểm mới, nhưng bạn cũng có thể mất đi những hợp đồng trị giá nhiều tỷ đồng vì việc đó.
3. Vì một số lý do, cây cảnh, chim thú hoặc cá cảnh nuôi trong nhà có thể bị chết hoặc mất mát nhưng bạn không nên vì thế mà từ bỏ. Gia chủ hãy cố gắng giữ trong nhà một bể cá nhỏ, đừng quan tâm đến số lượng hay màu sắc, chỉ cần giữ bể cá luôn sạch sẽ và sống khỏe là được. Nếu cá nuôi trong bể hay bị chết, hãy dọn dẹp bớt đồ đạc khác trong nhà, di chuyển bể cá lùi vào phía trong, cách xa cửa ra vào hơn, giảm bớt số lượng và trọng lượng trong bể.
4. Nếu còn sự lựa chọn khác thì bạn không nên vội chuyển nhà hoặc văn phòng làm việc đến những khu đô thị mới hoặc những tòa nhà văn phòng vừa mới xây dựng, dân cư chưa quần tụ đông đúc, đường giao thông đi lại bất tiện.
5. Khi cần phải thay đổi nhà ở, văn phòng làm việc, bạn hãy ưu tiên lựa chọn những nơi có địa hình thông thoáng, rộng rãi, dù giá có thể cao hơn những chỗ khác. Vì có thể chịu mua đắt vài triệu đồng mỗi m2 nhưng với một môi trường tốt, bạn sẽ thành đạt trong sự nghiệp hoặc đưa được những quyết định kinh doanh đúng, thu về nhiều lợi nhuận.
6. Không nên xây nhà quá cao hoặc lựa chọn căn hộ tại những nơi được coi là cao nhất, lớn nhất nhưng không gian công ích quá nhỏ so với quy mô xây dựng.
7. Nên lựa chọn những căn hộ cách xa cầu thang chung hoặc những ngôi nhà có không gian phía trước rộng rãi.
8. Trong thời khủng hoảng, đôi khi rất khó phân biệt được ai sẽ là đối tác, ai là khoản nợ xấu, vì vậy khi lựa chọn đối tác, bạn nên ưu tiên các công ty có văn phòng, không gian rộng rãi, khoáng đạt, gọn gàng hoặc thịnh vượng.
9. Nếu trước đây người ta thường e dè mỗi khi phải ở gần những nơi chùa chiền, nghĩa trang hoặc đồn công an… thì nay nên loại bỏ những điều đó, hãy yên tâm lựa chọn nếu những điều kiện về vệ sinh môi trường nơi ấy được đảm bảo.
10. Một căn hộ được cho là sang trọng, cao cấp, diện tích có thể rộng nhưng không gian trong nhà bị chia nát bởi hệ thống kết cấu kỹ thuật hoặc cách bố trí phòng ốc không thông thoáng không phải là sự lựa chọn sáng suốt.
Tóm lại, nếu không thể cải tạo được môi trường sống và làm việc của mình trong thời khủng hoảng thì tốt nhất hãy cố gắng tự thay đổi bản thân trước, đó là tư duy đơn giản, sống và làm việc có mục đích rõ ràng, giảm bớt tham vọng, trang phục gọn gàng, xác lập kỷ luật bản thân tốt. Hoạt động, bài trí phù hợp với vận động của “âm – dương” trong giai đoạn mới sẽ giúp bạn từng bước thay đổi cuộc sống.
(Theo Tri thức trẻ)