Những lưu ý cần tránh khi thiết kế nhà vệ sinh “2 trong 1”
Việc kết hợp này đòi hỏi sự tính toán cẩn trọng vì hai không gian trên tồn tại rất nhiều yếu tố xung khắc nhau. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia phong thủy đưa ra một số lời khuyên cho gia chủ trong việc thiết kế kết hợp nhà vệ sinh và phòng tắm để tránh hung khí cho căn nhà.
Bởi yếu tố diện tích luôn là một áp lực lớn, đặc biệt đối với những căn nhà ở thành phố đông đúc.
Tuy nhiên xét về phong thủy, việc kết hợp này đòi hỏi sự tính toán cẩn trọng vì hai không gian trên tồn tại rất nhiều yếu tố xung khắc nhau. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia phong thủy đưa ra một số lời khuyên cho gia chủ trong việc thiết kế kết hợp nhà vệ sinh và phòng tắm để tránh hung khí cho căn nhà.
Theo lý luận phong thủy, việc chỉ ra phương pháp tránh hung khi thiết kế được nói đến nhiều nhất. Khoa học phong thủy có nhiều cách gọi, cách hiểu và cách lý giải khác nhau về vấn đề này. Song nhìn chung, các chuyên gia đều thống nhất đưa ra 7 điều tối kỵ mà gia chủ cần tránh khi thiết kế không gian phòng tắm kết hợp nhà vệ sinh. Cụ thểnhư sau:
1. Tránh hướng Tây Nam, Đông Bắc hoặc Nam
Trang trí phòng vệ sinh
Theo xu hướng hiện nay, phòng vệ sinh thường được thiết kế gộp cùng khu vực tắm và bồn cầu để tiết kiệm diện tích, cũng như tiện lợi cho sinh hoạt khép kín từng phòng. Gia chủ có thể dùng vách kính, rãnh phân cấp nhỏ hoặc dùng rèm che, bình phong không thấm nước… để ngăn cách vùng tắm ẩm ướt với khu vệ sinh của gia đình. Điều này cũng giúp ngăn chặn hung khí xâm nhập vào cơ thể gia chủ khi tắm. Ngoài ra, phòng vệ sinh thuộc hành thủy, nên màu tốt nhất của nó là máu trắng thuộc kim, màu lam thuộc thủy. Những màu này vừa thanh nhã vừa tạo được cảm giác sạch sẽ, yên tĩnh. Tránh dùng màu sơn tường hay gạch lát màu đỏ tươi, màu sẫm gây cảm giác nóng bức, chật chội cho không gian phòng.
Theo phong thuỷ nhà ở nói chung, những vận khí xấu và những tai ương mà nhà vệ sinh dẫn đến là vô cùng to lớn và nguy hại. Đặc biệt, theo hướng Bắc hoặc hướng Đông Bắc (còn gọi là hậu quỷ môn) của nhà ở mà đặt nhà vệ sinh thì kết quả gia môn sẽ gặp bất hạnh. Để cho nhà vệ sinh át được hung khí thì tốt nhất gia chủ nên đặt nó ở hướng Tây Bắc, Đông Nam hoặc phương vị Đông (xét từ trung tâm của căn nhà). Đồng thời, vị trí nhà vệ sinh cũng phải tránh phương vị xung khắc với tuổi của chủ nhà. Nếu như nhà vệ sinh ở hướng Bắc hoặc phương vị Đông Bắc, nhất thiết phải chuyển sang vị trí khác. Với hướng Bắc, chỉ cần tránh trung tâm Bắc 15 độ (phạm vi của Tử).
Hướng Đông Bắc thì cần tránh Bắc Đông 15 độ (phạm vi của Sửu) và trung tâm Đông Bắc 15 độ (phạm vi của Cấn). Nếu như cả nhà vệ sinh đều nằm ở phương vị Bắc hoặc Đông Bắc, chỉ cần di dời vị trí của bồn cầu đến phương vị cách đó 15 độ là được. Nếu như bồn cầu thuộc phạm vi này thì chỉ cần di dời bồn cầu chứ không cần xây lại nhà vệ sinh. Ngoài phương vị Bắc, Đông Bắc thì nhà vệ sinh thuộc phương vị Tây Nam cũng thuộc hung tướng. Nếu cần di dời, chỉ có thể dời từ hướng Tây Nam sang Tây Bắc. Nhà vệ sinh thuộc hướng Tây cũng không tốt nhưng nếu không phải người thuộc tuổi Dậu hoặc trong gia đình không có phụ nữ đang chuẩn bị kết hôn thì không cần phải lo lắng. Người cầu toàn thì có thể di dời bồn cầu đến Tây Bắc (phạm vi Nhâm hoặc Quý).
Gia chủ cũng không nên đặt nhà vệ sinh ở hướng Nam bởi nó sẽ ảnh hưởng đến vận khí của bản thân, nhất là về công danh và tài lộc. Vì vậy, nếu sẵn có một nhà vệ sinh ở hướng này, gia chủ nên di dời đến phương vị Đông, Đông Nam, Tây Bắc. Đặc biệt chú ý, không được thiết kế nhà vệ sinh gần khu thờ cúng, nếu không sẽ biến thành hung tướng và gây những tai họa khôn lường cho gia chủ.
2. Nhà vệ sinh không được đặt ở trung tâm căn nhà
Có 3 nguyên nhân mà các chuyên gia đưa ra để lý giải cho điều này. Thứ nhất, theo “Lạc Thư” (họa đồ được truyền lại từ thời xa xưa, có nguồn gốc từ các bộ tộc phía nam sông Dương Tử cổ đại) thì phương vị trung tâm thuộc Thổ, còn nhà vệ sinh thuộc Thuỷ. Nếu đặt ở vị trí trung tâm sẽ phát sinh Thổ khắc Thuỷ gây những tai họa khó lường cho đường tài vận của chủ nhà. Thứ hai, không khí và nước ô nhiễm từ nhà vệ sinh từ trung tâm lan ra các phòng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh khí của căn nhà. Điều này bất lợi cho sức khỏe của các thành viên trong nhà. Thứ ba, trung tâm của căn nhà cũng được coi như trái tim con người, trái tim mà bị ô nhiễm thì dù có sử dụng bất cứ biện pháp nào về phong thủy, căn nhà sẽ vẫn gặp điều không may. Thậm chí, nó còn làm hỏng đại vận mà căn nhà mang lại cho gia chủ.
3. Không nên cải tạo nhà vệ sinh cũ thành phòng ngủ
Trường hợp này thường xảy ra với các căn hộ chung cư cũ có số thành viên đông đúc và diện tích căn nhà nhỏ hẹp. Vì thế, nhiều gia đình quyết định cải tạo nhà vệ sinh thành phòng ngủ dành cho các thành viên. Mặc dù đây là biện pháp tiết kiệm không gian khá hữu ích cho gia đình nhưng lại bị coi là sai lầm nghiêm trọng trong phong thủy. Điều này được lý giải như sau: Nhà vệ sinh vốn là nơi chứa đựng nhiều xú uế khí – không gian được cho là không sạch sẽ và là nơi tập trung nhiều hung khí – nên cần phải tránh nằm gần kề phòng ngủ và càng không thể sửa thành phòng ngủ. Nếu phạm vào điều này sẽ không phù hợp với yêu cầu vệ sinh vì thủy hỏa bất dung.
4. Hướng nhà không nên cùng hướng bồn cầu
Đối với việc xây và thiết kế nhà vệ sinh nói chung, hướng của căn nhà không nên trùng với hướng của bồn cầu. Ví dụ, cửa chính căn nhà hướng Nam thì hướng của bồn cầu không được hướng Nam, nếu không sẽ dễ sinh bệnh cho chủ nhà. Trước mắt, quan điểm này chưa được các chuyên gia phong thủy truyền thống công nhận song các thực nghiệm lại có tỷ lệ khá chính xác. Vì thế, tốt nhất gia chủ nên chủ động tránh thì sẽ tốt hơn cho bản thân và căn nhà.
5. Nhà vệ sinh không nên nằm ở cuối hành lang
Đối với các căn nhà hình ống hiện nay, nếu có hành lang tương đối dài thì cần chú ý sao cho nhà vệ sinh nằm ở bên cạnh hành lang, chứ không được để ở cuối hành lang. Bởi nhà vệ sinh ở cuối hành lang bị coi là đại hung tướng trong phong thủy. Nếu phạm phải sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của người trong nhà, đặc biệt là người già và trẻ em có thể bị bệnh tật kéo dài.
6. Nhà vệ sinh phải có cửa sổ, đủ ánh sáng, không khí lưu thông
Đối với các nhà vệ sinh nói chung, nhất thiết phải thiết kế cửa thông thoáng thoát khí. Nguyên nhân rất đơn giản, nhà vệ sinh là nơi ẩm thấp dễ bị ẩm mốc, đồng thời cũng là nơi chúng ta thường dùng để tẩy rửa tạp chất và xú uế. Do vậy, nhà vệ sinh nhất thiết phải có cửa sổ hoặc cửa thông gió, đủ ánh sáng và không khí lưu thông để cho mùi hôi bay đi, duy trì không khí trong sạch. Đặc biệt, nhà vệ sinh khi kết hợp là nhà tắm thì điều này càng quan trọng. Nó mang lại sự thư giãn, thoải mái cho các thành viên khi vệ sinh cơ thể sau một ngày mệt nhọc.
7. Không thiết kế nhà vệ sinh nằm trên phòng ngủ
Thường thì khi thiết kế các căn biệt thự, nhà cao tầng, người ta nhớ đến sự phối hợp giữa các gian phòng trong cùng một tầng nhưng lại quên mất mối quan hệ giữa các tầng. Nhà vệ sinh nếu nằm trên phòng ngủ sẽ là điều vô cùng nguy hại. Hung khí sẽ tập trung trong chính căn phòng ngủ ấy khiến cho sức khoẻ người ở sẽ giảm sút rõ rệt. Theo nguyên lý “gia tướng học” Trung Quốc cổ truyền thì nền nhà vệ sinh không được cao hơn phòng ngủ. Người xưa cho rằng, nước chảy xuống dưới làm ẩm kết cấu bên dưới, về lâu dài phòng ngủ bị ẩm thấp, dễ phát sinh các bệnh hệ thống nội tiết. Nếu như nhất thiết phải đặt nhà vệ sinh trên lầu thì bạn nên thiết kế kéo rộng khoảng cách với phòng ngủ và nằm trên 1 trục thông nhau giữa các nhà vệ sinh. Như vậy sẽ tránh được tai ương cho các thành viên trong căn nhà.