Lợi ích của việc làm nhà hướng Nam
Người xưa có câu: “Trăm người hầu không bằng đầu ngọn gió”, “Gió Nam chưa nằm đã ngáy”, “Nhà hướng Nam, không làm cũng có ăn”, “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”…, nói lên nhiều lợi thế của nhà hướng Nam.
Tại sao lại là nhà hướng Nam?
Trước hết, do vị trí địa lý và đặc thù khí hậu của Việt Nam (nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa) nên đối với hầu hết vùng, miền, hướng Nam là hướng thuận lợi nhất để xây dựng nhà cửa: đón được đầy đủ ánh sáng và gió mát hơn hẳn các hướng khác.
Đặc biệt, nhà xây hướng Nam sẽ tránh được ánh nắng chói phía Đông vào buổi sáng, buổi chiều không bị nắng chiếu gay gắt từ phía Tây, đồng thời tránh được gió nóng từ phía Tây thổi tới và không bị ảnh hưởng bởi gió lạnh từ phương Bắc tràn về. Trong khi đó, mùa hè đón được những ngọn gió mát từ hướng Đông Nam và hướng chính Nam.
Từ thời nguyên thủy, con người đã biết tận dụng hướng Nam để được mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tăng sức đề kháng của cơ thể, tránh sự xâm hại của tự nhiên đối với sức khỏe.
Phần lớn hang động tại Hòa Bình có người ở đều quay về hướng Nam hoặc Đông Nam. Không một hang có người ở nào lại có cửa quay về hướng Bắc, bởi lẽ, gió mùa kèm theo giá rét từ phương Bắc có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của con người (riêng các tỉnh, thành phía Nam, do thời tiết và nhiệt độ ít thay đổi nên làm nhà hướng Bắc không bị lạnh theo mùa).
Mặt khác, hướng Nam là hướng mặt trời lên cao, tượng trưng cho lửa, dương lực, mùa hạ, sự ấm áp…, cũng chính là hướng tượng trưng cho thời kỳ mạnh mẽ nhất của cuộc đời con người, phát huy khả năng, sức mạnh của bản thân mỗi người. Địa vị xã hội, tiền tài, năng lực lãnh đạo, trí tuệ, tài năng đều có liên quan đến hướng Nam.
Theo Tiên thiên bát quái, phía Nam có tượng là quẻ Càn (trời, vua…), nên phía Nam được coi là hướng của bậc đế vương, còn theo Hậu thiên bát quái, hướng Nam có tượng là quẻ Ly, biểu tượng của lửa, ánh sáng. Do vậy, các bậc vua chúa thường tọa Bắc, hướng Nam để hướng về lẽ sáng mà xử lý công việc, cai trị thiên hạ; cung điện, thành quách được xây theo hướng này nhằm bảo vệ vị trí chí cao vô thượng.
Tiên thiên bát quái và hậu thiên bát quái
Mặc dù lý luận phong thuỷ phái Bát trạch cho rằng, hướng Nam chỉ hợp với người mệnh Đông tứ, nhưng những người mệnh Tây tứ không nên bỏ qua.
Với nhà hướng Nam nhưng không hợp mệnh chủ nhà, có thể dùng gương bát quái để hóa giải, đồng thời dùng các hình thức bài trí nội thất, đặc biệt là bếp và phòng ngủ để tạo sự tương tác tốt, dung hòa hướng xấu đó.
Ngoài ra, có thể sử dụng các pháp khí phong thủy để kích hoạt khí trường của ngôi nhà, tạo cho ngôi nhà có một trạch vận tốt đẹp.
3 lý do để chọn hướng Nam
Một là ánh sáng tốt. Trong “Trạch kinh” nói, phàm cửa sổ hướng nam, đông nam hoặc tây nam, ánh sáng trong nhà sẽ tốt.
Nhà ở tọa bắc hướng nam lợi dụng được triệt để ánh sáng mặt trời, giữ không khí ấm khi mùa đông, mát mẻ khi mùa hè.
Hai là sự thông gió tốt. Tọa bắc hướng nam sẽ khiển không khí nhà ở được lưu thông một cách đầy đủ.
Ba là tránh gió bắc. Tọa bắc hướng nam không chỉ vì ánh sáng, thông gió mà là còn để tránh gió bắc.
Người xưa cho rằng bắc là âm, nam là dương, nơi có phong thủy tốt là âm dương phải hài hòa.
Trên thực tế, phương vị hướng nam không dễ tìm, vì thế dùng hướng chính nam làm nguyên tắc, hơi nghiêng về hướng đông hoặc hướng tây cũng không có trở ngại gì. Nếu nhà ở không có cách nào xây dựng theo hướng nam, thì cần phải mở nhiều cửa sổ ở hướng nam hoặc xây giếng trời, tăng thêm ánh sáng, khí ấm, hoặc trồng nhiều cây ở hướng bắc để bù đắp.
Nếu bạn thuộc nhóm tuổi hợp “Đông tứ trạch” và có được nhà hướng Nam, vừa hợp hướng vừa hợp môi trường nhà ở, thì thật là lý tưởng.
DiaOcOnline.vn – Theo Gia đình & Xã hội