Hiểu đúng về những kiêng kị trong phong thủy
Cha ông ta vốn có câu “có kiêng có lành” hay bị hiểu sai là mê tín, là kiêng cữ thái quá, nhưng thực ra đó là thái độ ứng xử với bản thân và môi trường chung quanh sao cho vừa phải, khoa học.
Cần có cách hiểu đúng về những kiêng kỵ trong phong thủy.
Tôi thấy trong các sách phong thuỷ hiện đang lưu hành, có rất nhiều phần nói về các kiêng kỵ trong nhà ở mà nếu để ý áp dụng theo thì sẽ thấy ngôi nhà nào cũng xấu, không bị chuyện nọ thì vướng chuyện kia. Ví dụ chuyện kê đồ đạc trong nhà phải chọn đồ sao cho hợp tuổi, nếu không gia đạo sẽ bất an, có phải vậy không?
Trả lời:
Các câu hỏi trên đang liên quan đến vấn đề trang trí nội thất sao cho hài hoà phong thuỷ. Cha ông ta vốn có câu “có kiêng có lành” hay bị hiểu sai là mê tín, là kiêng cữ thái quá, nhưng thực ra đó là thái độ ứng xử với bản thân và môi trường chung quanh sao cho vừa phải, khoa học. Một số gia chủ thường lo lắng về tình trạng gia đạo không yên ấm mà nguyên nhân đa phần đều xuất phát từ cách bố trí không gian cư trú thiếu được quan tâm đúng mức để nội thất hài hoà phong thuỷ. Có những cấu trúc nhà dễ khiến các thành viên rơi vào tình trạng “gần mặt mà vẫn cách lòng” như một số trường hợp sau:
Nhà ngăn chia phòng quá nhiều theo kiểu “nhà trọ”, trường khí chung sẽ bị chia cắt. Mọi người về đến nhà là “trốn” ngay vào phòng riêng, cuộc sống công nghiệp vốn bận rộn càng thêm tách biệt các thành viên với nhau bởi kiểu ngăn phòng này. Từ đó gia đạo trở nên bất an chứ chẳng phải là do việc chọn đồ hợp tuổi hay không.
Nhà mở thông thống từ trước ra sau gây ra tán khí, mọi người cảm thấy thiếu sự riêng tư, luôn gây ảnh hưởng lẫn nhau. Dạng nhà phố có buôn bán, sản xuất ở tầng trệt mà không được ngăn cách khéo léo cũng làm cho người ở thấy ngột ngạt thấy nhà mình “lúc nào cũng như cái chợ”. Các vật phẩm phong thuỷ chỉ có tác dụng trấn an tâm lý, chứ không thể thay đổi “phần cứng” của ngôi nhà khi đã bố trí sai lệch, thiếu khoa học.
Nhà bố trí quá nhiều thiết bị điện tử, nghe nhìn, máy móc… khiến ngôi nhà không còn là nơi trú ẩn hay nghỉ ngơi nữa mà trở thành một kiểu văn phòng làm việc, chơi games hay lướt net, máy móc có từ tính trong nhà rất nhiều. Hệ quả là các thành viên thiếu quan tâm đến nhau, chỉ lo tận hưởng các tiện nghi vật chất trong khu vực của riêng mình. Do đó, chưa chắc việc hoàn thiện nhà theo kiểu khách sạn, tiện nghi đầy đủ hết đã là tốt nếu thiếu yếu tố gắn kết gia đình.
phong thuy nha o kieng qua hoa xau
Nhà bố trí không gian đối ngoại rất phô trương nhưng chỉ hữu dụng khi có khách, dịp lễ tết và tập trung ở phía trước, còn thường ngày thì mọi sinh hoạt lại co cụm bề bộn ở phía sau. Thế hệ lớn tuổi hay chuộng đồ cổ, gỗ quý xà cừ, trong khi thế hệ trẻ hơn thì ưa vật dụng hiện đại, điều này cũng gây ra các xung đột ngấm ngầm trong sinh hoạt, lâu ngày thành ra không thể “ngồi lại bên nhau” có khi chỉ vì… một bộ ghế salon (!?)
Tất cả các dạng nêu trên đều có thể khắc phục được nếu chủ động tính toán từ đầu, đặt ra các tình huống cụ thể, làm nhà cho chính mình chứ không bắt chước dạng thức của người khác. Ví dụ, nhà phố có nhu cầu buôn bán (hoặc cho thuê kinh doanh) thì nên phân bố các khu chức năng ngay từ đầu, thậm chí đưa bếp ăn và phòng khách lên lửng hoặc lầu để dành tầng trệt cho buôn bán và xe cộ. Hay vợ chồng già muốn ở nhà vườn thì nên làm nhà trệt và diện tích vừa phải, chừa sân rộng có chỗ cho cho con cháu khi về vui chơi, còn thường ngày thì “bà chăm ông” không đến nỗi quá leo trèo vất vả vì ngôi nhà rộng lớn.
Việc chọn đồ dùng nội thất cũng cần tham khảo và dung hoà ý kiến các thành viên trong nhà, hoặc mỗi người nên nhường nhau một chút. Xu hướng chung tại các nước đã phát triển hiện nay như Úc, Pháp… là giảm thiểu mang công việc về nhà, khuyến khích các ngày nghỉ cả gia đình đi ra ngoài thiên nhiên, thậm chí có những ngày “không tivi – không điện thoại – không máy tính” để mọi người quan tâm chăm sóc nhau nhiều hơn. Đó chính là thái độ kiêng cữ hợp lý, nói cách khác là sự tôn trọng lẫn nhau, trân trọng không gian sống của gia đình mình cho dù kinh phí đầu tư có thể không nhiều.