Bố trí không gian thờ cúng không phạm đại kị, rước bình an vào nhà
Bàn thờ nên có độ cao tỷ lệ với người trong gia đình, tránh làm quá cao (phải leo trèo thiếu an toàn) hoặc quá thấp (dễ bị va chạm và thiếu tôn nghiêm). Trường hợp có nhiều tầng thờ thì xếp đặt theo thứ tự từ cao xuống thấp theo ngôi thứ.
Từ tâm thức đến cách thức bài trí nhà cửa, người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng luôn đặt nơi thờ cúng tại vị trí trang trọng nhất.
Trong nhà ở dân gian, bàn thờ cố định tại Trung Cung (khu vực trung tâm của nhà). Bước vào cửa chính có thể gặp bàn thờ và bộ bàn ghế tiếp khách, là một xếp đặt quen thuộc, hài hòa với cấu trúc không gian nhà ở truyền thống vốn có hàng hiên và sân vườn bao bọc chung quanh.
Còn nhà ở hiện đại với diện tích và cấu trúc không gian khác xưa, điều kiện sống và quan niệm trong sinh hoạt cũng có nhiều thay đổi, cách bố trí bàn thờ trở nên đa dạng hơn, và cũng có nhiều vấn đề ưu tư hơn.
Nhà phố hiện nay phổ biến cách đặt phòng thờ trên tầng thượng, vừa thoáng khí vừa có khoảng rộng sân thượng để tập trung nhiều người vào các dịp giỗ tết, giảm các va chạm trong sinh hoạt hàng ngày.
Nhưng cũng có một số gia đình không muốn đưa bàn thờ lên tầng cao với lý do: khó khăn cho người lớn tuổi khi chăm lo hương khói, quét dọn bàn thờ, và đặt lên cao quá sẽ có cảm giác xa cách.
Thực ra mỗi ngày một vài lần đi lên phòng thờ thì cũng như tập thể dục vậy thôi, đồng thời nên giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức hướng về tổ tiên, cả gia đình có thể thay phiên nhau hương khói chẳng hề nặng nhọc chút nào.
Trường hợp nhà neo người, quá khó khăn hoặc nhà trệt, căn hộ chung cư… thì có thể gắn bàn thờ liền với không gian phòng khách nhưng phải có giải pháp thoát khói và chống ố vàng trên trần (như dùng tủ thờ có nóc, dùng tấm kính ngăn phía trên, bàn thờ kề cận cửa thông gió).
Đối với bàn thờ Thần Tài và Ông Địa nên đặt ngay tại lối vào chính và ở dưới đất vì việc thắp nhang, nhất là nhang thơm, có tác dụng xua đuổi không khí ẩm ướt, côn trùng vào những buổi sáng sớm hoặc chiều tối (là khoảng thời gian chuyển tiếp Âm Dương, ánh sáng nhá nhem, vi khuẩn nhiều và độ ẩm tăng) đồng thời theo tín ngưỡng dân gian thì như vậy sẽ “nghinh tiếp Thần Tài” được trực tiếp hơn.
Bàn thờ Thiên thì hầu như là lộ thiên hoàn toàn, có thể từ đơn giản là một bệ đá, đến cầu kỳ hơn là một trang thờ có mái.
Sân thượng hoặc ban công trước là nơi phù hợp đặt bàn Thiên, cũng là một điểm thắp nhang để xua đuổi âm khí, tạo thêm một nét ấm áp cho sinh hoạt trong ngôi nhà Việt.
Bàn thờ nên có độ cao tỷ lệ với người trong gia đình, tránh làm quá cao (phải leo trèo thiếu an toàn) hoặc quá thấp (dễ bị va chạm và thiếu tôn nghiêm). Trường hợp có nhiều tầng thờ thì xếp đặt theo thứ tự từ cao xuống thấp theo ngôi thứ.
Tủ thờ thường có phần dưới và bên hông là tủ chứa đồ (gia phả, lịch giỗ kỵ, vàng mã hương đèn…). Nếu bệ thờ làm theo kiểu tấm đan bê tông thì cũng nên kê một tủ nhỏ hay bàn vào khoảng trống bên dưới để thuận tiện sắp xếp vật dụng vào dịp có giỗ tết.
Phòng thờ có thể kết hợp với thư phòng, tiếp khách hay là nơi trà đàm, sinh hoạt gia đình trang trọng. Tránh bố trí chỗ ngủ hoặc nơi giải trí ồn ào chung với phòng thờ vì thiếu trang nghiêm và không phù hợp với tính chất trường khí của phòng thờ vốn thuộc Âm.
Như vậy tùy theo hoàn cảnh gia đình mà cách bài trí phòng thờ, bàn thờ có thể linh hoạt phù hợp trên tinh thần trang nghiêm, ít bị ảnh hưởng bởi các sinh hoạt khác.
Trong ngôi nhà hiện đại – nhất là căn hộ chung cư – còn cần thêm sự giản dị và mỹ thuật, tránh làm bàn thờ theo lối trang trí lòe loẹt cầu kỳ. Bài trí bàn thờ phải nghiêm trang nhưng không u tịch, bởi vì nhà ở gia đình (tính chất Dương) không bao giờ là một ngôi chùa hay đền – miếu – phủ – am (thiên về tính Âm, là “vãng sinh đường” cho khách thập phương).
Không gian thờ cúng, không gian mang tính tâm linh trong nhà ở luôn cần đặt yếu tố gần gũi và giáo dục truyền thống lên hàng đầu để kết nối các thế hệ và giữ vững gia phong nề nếp gia đình.