Bố trí phong thủy nhà ở hợp với sức khỏe gia chủ
Phong thủy, về cơ bản, là một học thuyết nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường, tìm kiếm sinh khí, theo đuổi tới ranh giới tốt nhất của âm dương, ngũ hành, nhằm đạt được cảnh giới hòa hợp thành một thể với tự nhiên, có lợi cho sự phát triển và sinh tồn của con người.
Môi trường cư trú tốt không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn là yếu tố giúp con người phát triển. Thực tế cho thấy, những vùng đất được coi là phong thủy bảo địa, tức có các yếu tố địa lý tự nhiên hài hòa, bổ sung, hỗ trợ nhau, sinh khí tràn trề, thì thường sản sinh ra nhiều người tài. Câu nói “địa linh nhân kiệt” là đúc kết thực tế đó.
Xét ở khía cạnh sức khỏe, trong điều kiện bình thường mà thể chất và/hoặc tinh thần thường xuyên cảm thấy không ổn, thì rất có thể nguyên nhân là do mệnh và bố cục nhà ở không phối hợp với nhau.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của phong thuỷ học là “trạch mệnh tương phối”, tức người Đông tứ mệnh nên ở nhà Đông tứ trạch, người Tây tứ mệnh nên ở nhà Tây tứ trạch.
Mệnh quái được xác định thông qua năm sinh và giới tính. Tên của các mệnh quái bao gồm: Nhất bạch (mệnh Thủy), Nhị hắc (mệnh Thổ), Tam bích (mệnh Mộc), Tứ lục (mệnh Mộc), Ngũ hoàng (mệnh Thổ), Lục bạch (mệnh Kim), Thất xích (mệnh Kim), Bát bạch (mệnh Thổ), Cửu tử (mệnh Hỏa).
Đây là tên gọi khác của 7 ngôi sao trong chòm sao Bắc đẩu (có hình cái gàu) và 2 ngôi sao ở hai bên cán gàu, gọi chung là cửu tinh, lần lượt là Tham lang, Cự môn, Lộc tồn, Văn khúc, Liêm trinh, Vũ khúc, Phá quân, Tả phù, Hữu bật. Chòm sao Bắc đẩu quay quanh sao Bắc cực (là ngôi sao đứng yên một chỗ trong bầu trời, nằm trên đường kéo dài của trục quay của Trái đất) đúng một năm thời tiết hết một vòng. Chòm sao này không ngừng vận hành và tạo ra nhiều ảnh hưởng tới vạn vật trên trái đất.
Ví dụ, nam sinh năm 1981 có mệnh quái là Khảm (Thủy), thì thích hợp ở nhà Đông tứ, gồm 4 loại nhà: Khảm trạch (tọa Bắc, hướng Nam), Ly trạch (tọa Nam, hướng Bắc), Chấn trạch (tọa Đông, hướng Tây), Tốn trạch (tọa Đông Nam, hướng Tây Bắc), bởi đó là những hướng hợp mệnh.
4 loại nhà còn lại không thích hợp để ở (nhưng có thể bố trí cửa ra vào và bếp ở vị trí thích hợp để bổ cứu) bao gồm: Càn trạch (tọa Tây Bắc, hướng Đông Nam), Khôn trạch (tọa Tây Nam, hướng Đông Bắc), Cấn trạch (tọa Đông Bắc, hướng Tây Nam), Đoài trạch (tọa Tây hướng Đông), vì đó là những hướng không hợp mệnh.
8 phương vị của bát trạch được phân thành 4 phương vị cát là Sinh khí, Diên niên, Thiên y, Phục vị và 4 phương vị hung là Tuyệt mệnh, Ngũ quỷ, Họa hại, Lục sát. Sinh khí tương ứng với sao Tham lang, Diên niên tương ứng với sao Vũ khúc, Thiên y tương ứng với sao Cự môn, Phục vị tương ứng với sao Tả phù, Ngũ quỷ tương ứng với sao Liêm trinh, Lục sát tương ứng với sao Văn khúc, Họa hại tương ứng với sao Lộc tồn, Tuyệt mệnh tương ứng với sao Phá quân.
Khoa học hiện đại đã phát hiện ra rằng, các ngôi sao trong chòm sao Bắc đẩu là những khối khí, là lò phản ứng hạt nhân nguyên tử, phát quang, phát nhiệt, phóng ra những dòng vật chất. Do đặc điểm của bản thân chúng khác nhau nên phát sinh ra năng lượng khác nhau mà nảy sinh ra cát hung. Trái đất tiếp nhận các năng lượng đó và “Sinh khí”, “Ngũ quỷ”… là những mật danh được người xưa đặt ra nhằm biểu thị tính chất cát hung của chúng.
Sau khi xây nhà hoặc mua nhà, thuê nhà để ở, hiệu lực tốt hay xấu của phong thủy ban đầu chỉ ở mức độ nhẹ và chậm, sau đó sẽ tăng dần. Trong đó, Sinh khí, Phục vị ứng vào năm Hợi, Mão, Mùi; Diên niên, Tuyệt mệnh ứng vào năm Tỵ, Dậu, Sửu; Thiên y, Họa hại ứng vào năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi; Lục sát ứng vào năm Thân, Tý, Thìn; Ngũ quỹ ứng vào năm Dần, Ngọ, Tuất. Đến năm cát thì cát ứng với cát, hung ứng với hung.
Tuy các phương vị (bát cung) có tính chất cát hung riêng, nhưng sau khi kết hợp với quan hệ sinh khắc của các sao (cửu tinh) thì sự cát hung phát sinh biến hóa.
Cụ thể, nếu sao dương ở cung dương, sao âm ở cung âm thì cung sao tương đồng, không có sinh khắc; trường hợp sao dương ở cung âm, sao âm ở cung dương thì cung sao tương khắc. Nếu thuộc tính của cung vị khắc sao thì trong khắc ngoài, có cả cát lẫn hung; trường hợp thuộc tính của sao khắc cung thì ngoài khắc trong, chủ về hung họa.
Sao Tham lang là dương Mộc, Tả phù là âm Mộc, sao Vũ khúc là dương Kim, sao Phá quân là âm Kim, sao Cự môn là dương Thổ, sao Lộc tồn là âm Thổ, sao Văn khúc là dương Thủy, sao Liêm trinh là âm Hỏa.
Thông thường, dương bị khắc sẽ bất lợi cho nam giới, âm bị khắc sẽ bất lợi cho nữ giới. Chẳng hạn, người mệnh Càn thuộc Tây tứ trạch, cung Càn là Phục vị, Càn là dương Kim, sao Tả phù của Phục vị là âm Mộc, như vậy là trong dương khắc ngoài âm. Phục vị vốn là cát tinh thứ tư, nhưng ở đây lại biến thành bán hung tinh, phương này không có lợi cho nữ giới.
Hay cung Đoài là phương Sinh khí của người mệnh Càn, sao Tham lang thuộc dương Mộc, như vậy là trong âm khắc ngoài dương. Sinh khí vốn là cát tinh thứ nhất, sau khi bị khắc sẽ phản lại thành hung, bất lợi đối với nam giới.
Tương tự, cung Khôn là âm Thổ, là Diên niên của người mệnh Càn; Vũ khúc là dương Kim, Thổ sinh Kim, như vậy là cung sao tương sinh, phương này chủ cát lợi. Cung Cấn là dương Thổ, là Thiên y của người mệnh Càn; Cự môn là dương Thổ, Thổ và Thổ phù trợ lẫn nhau, chủ cát lợi.
Căn cứ vào thuộc tính cát hung của các phương vị, cần đặt cửa chính, giường ngủ, phòng khách, bàn thờ, phòng bếp, bàn làm việc ở phương vị cát; đặt hố ga, nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà kho, bếp đun ở phương vị hung. Bố cục như vậy sẽ tạo ra trường khí tốt cho ngôi nhà.
Tuy nhiên, để trường khí này phát huy tác dụng, môi trường bên ngoài phải không có xung sát, nhiều sinh khí, âm dương cân bằng. Đồng thời, ngôi nhà được thiết kế cổng, cửa, sao cho đón được ánh sáng và khí tốt vào nhà. Bên cạnh đó, đồ nội thất có hình dáng, chất liệu, màu sắc phù hợp với phương vị, mệnh quái của chủ nhà và các thành viên, nhưng phải đảm bảo tính thẩm mỹ và không ảnh hưởng xấu đến cảm giác, tâm lý con người.
Ngủ ngon nhờ giường
Nhằm hỗ trợ sức khỏe cũng như có giấc ngủ ngon, giường ngủ cần được kê ở phương vị cát lợi. Đầu giường quay về hướng tốt, bên trên không có dầm, xà, vị trí ở tầng trên và tầng dưới không có nhà vệ sinh, đặc biệt là bồn cầu. Giường ngủ không hướng vào hay quá gần nhà vệ sinh (vì khí trong cơ thể dễ bị hút đi).
Trường hợp đầu giường ngay phía dưới cửa sổ cũng không tốt, ngoại trừ đóng cửa sổ hoặc buông rèm lúc ngủ. Gần giường ngủ không nên có quá nhiều thiết bị điện tử, dễ tạo sóng làm nhiễu loạn trí não và từ trường cơ thể. Nếu trong phòng ngủ có treo gương thì không nên để gương chiếu vào giường hay đối diện với cửa phòng.
Ngoài ra, phòng ngủ hình vuông, hình chữ nhật là tốt nhất. Diện tích phòng ngủ nên vừa phải, rộng khoảng 5 – 6 lần giường, để khí không bị bức bách hoặc không bị tán khí. Trong phòng không nên có quá nhiều đồ vật, nhất là đồ vật cao, góc cạnh. Một số yếu tố khác cần lưu ý là phòng ngủ nên yên tĩnh, kín đáo, sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng khí, ánh sáng vừa đủ, màu sắc hòa nhã, nhẹ nhàng, ấm áp, đường nét mềm mại, chăn nệm êm ái.
Ăn uống hợp mệnh
Mỗi loại thức ăn có thuộc tính ngũ hành khác nhau, chủ yếu căn cứ vào màu sắc và mùi vị. Cụ thể, thức ăn màu xanh, vị chua mang hành Mộc; thức ăn màu đỏ, vị cay mang hành Hỏa; thức ăn màu vàng, vị ngọt mang hành Thổ; thức ăn màu trắng, vị đắng mang hành Kim; thức ăn màu đen, vị mặn mang hành Thủy.
Trong khi đó, ngũ tạng con người cũng đối ứng với thuộc tính ngũ hành khác nhau: gan thuộc Mộc, tim thuộc Hỏa, lá lách thuộc Thổ, phổi thuộc Kim, thận thuộc Thủy.
Bốn mùa cũng có tính chất ngũ hành khác nhau: mùa Xuân, hành Mộc vượng; mùa Hạ, hành Hỏa vượng; mùa Thu, hành Kim vượng; mùa Đông, hành Thủy vượng.
Do đó, mùa Xuân không nên ăn quá nhiều thức ăn có vị chua, vì sẽ tạo thành gánh nặng cho gan và những người bị bệnh gan cần tránh ăn cay. Mùa Hạ không nên ăn quá nhiều thức ăn có vị đắng, không tốt cho tim và những người bị bệnh tim cần tránh ăn mặn. Mùa Thu không nên ăn quá nhiều đồ cay, sẽ hại phổi và những người bị bệnh phổi cần tránh ăn thức ăn có vị đắng. Mùa Đông không nên ăn quá nhiều đồ mặn, sẽ hại thận và những người bị bệnh thận cần tránh ăn ngọt.
Quan trọng hơn là căn cứ vào mệnh quái, đặc biệt nhu cầu ngũ hành của bản thân để lựa chọn các loại thức ăn phù hợp.
Ví dụ, người trong mệnh thiếu Kim (thường có ngày sinh từ ngày 19/2 – 4/5 dương lịch, tức sinh vào mùa Xuân – Mộc vượng, làm suy Kim) thì nên ăn nhiều thức ăn thuộc Kim như củ cải trắng, cải thảo, thịt gà, tổ yến, sữa, kem. Một trong những hệ quả nếu thiếu Kim là hay bị ho, vì Kim chủ về phổi, phổi không tốt gặp môi trường biến đổi bất lợi sẽ dẫn tới bị ho, thậm chí mắc bệnh về phổi. Mệnh thiếu Kim nên hạn chế ăn thức ăn thuộc Mộc, đặc biệt là lạc và đậu phộng, vì không chỉ làm suy Kim, mà còn dễ dẫn đến đau dạ dày (dạ dày thuộc Thổ, bị Mộc khắc).
Người trong mệnh thiếu Thủy (thường có ngày sinh từ ngày 5/5 – 7/8 dương lịch, tức sinh vào mùa Hạ – Hỏa vượng, làm suy Thủy) thì nên ăn nhiều thức ăn thuộc Thủy như tôm, cua, cá, hàu, đậu phụ, sữa chua, dưa hấu, đậu đen, mộc nhĩ đen, nấm kim châm…
Người trong mệnh thiếu Mộc (thường có ngày sinh từ ngày 8/8 – 7/11 dương lịch, tức sinh vào mùa Thu – Kim vượng làm suy Mộc) thì nên ăn nhiều thức ăn thuộc Mộc như rau xanh, nấm, thịt vịt, cua, thỏ, gan lợn…
Người trong mệnh thiếu Hỏa (thường có ngày sinh từ ngày 8/11 – 18/2 dương lịch, tức sinh vào mùa Đông – Thủy vượng làm suy Hỏa) thì nên ăn nhiều thức ăn thuộc Hỏa như tim lợn, thịt bò, nho tím, ớt đỏ, cà rốt, cà chua đỏ, táo vỏ đỏ, mướp đắng…
Ngược lại, nếu một hành nào đó trong mệnh quá vượng cũng không tốt, cần ăn nhiều thức ăn có thuộc tính ngũ hành có thể làm tiết giảm hành quá vượng trong mệnh. Chẳng hạn, nếu Hỏa quá vượng dễ dẫn đến đau mắt, ù tai, cần ăn nhiều thức ăn thuộc Thổ hoặc Thủy.