Bố trí phong thủy cho toilet
Phong thuỷ hiện đại cũng đề ra những đặc thù riêng cho khu vệ sinh, khác với quan niệm cũ và nêu bật tầm quan trọng hàng đầu của khu vệ sinh tương đương với hệ thống cửa (Môn) và bếp (Táo) trong ngôi nhà đương đại
Trong ngôi nhà truyền thống Việt Nam trước đây, khu vệ sinh đã có sự tách bạch khô – ướt, bẩn – sạch, dẫn đến nhà tắm thường không ở chung một chỗ với nhà xí. Một số nơi trên thế giới còn tổ chức thành nhà tắm công cộng (như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc) và nâng việc tắm rửa thành một nghi thức, một thú vui thiết thân chứ không chỉ là tẩy rửa cho cơ thể thanh sạch.
Nhất vị nhị hướng
Trong bài trí không gian hợp phong thuỷ, có được vị trí phù hợp sẽ dễ dàng xoay chuyển phương hướng và bố cục. Theo nguyên tắc tọa hung, khu vệ sinh nên đặt vào các hướng xấu, các hướng bất lợi về khí hậu và phối hợp được ngũ hành, âm dương. Ví dụ, hướng bắc thuộc hành Thuỷ, hướng tây và tây bắc thuộc hành Kim, do Kim sinh Thuỷ nên những hướng này phù hợp đặt khu vệ sinh (vốn thuộc Thủy).
Về mặt khí hậu, các hướng này có nhiều nắng gắt và ở cuối hướng gió (so với hướng gió chủ đạo của nước ta là nam và đông nam) nên phòng tắm đặt tại đây sẽ vừa giúp đón được bức xạ nhiệt giúp luôn khô ráo, lại vừa không gặp phải gió đột ngột khi mới tắm xong. Thậm chí khi nhà có mặt tiền hướng tây nắng gắt, có thể đưa phòng tắm trên lầu ra phía trước nhằm tạo nên không gian đệm che chắn bớt nóng nực cho phòng bên trong cũng như hình thành mảng khối đặc – rỗng (âm – dương) cho mặt tiền nhà. Tất nhiên, cách đặt này cần lưu ý phòng vệ sinh không “đè” lên trục cửa ra vào chính, hay đi đường ống thoát nước xuống cạnh các chỗ ngồi trang trọng tại phòng khách.
Việc xem xét hướng đặt phòng vệ sinh cũng cần chú ý đến hướng mệnh trạch của gia chủ, dân gian gọi là cách “dĩ độc trị độc” để hung gặp hung hóa cát, đặt khu vệ sinh vào vị trí xấu sẽ hợp hơn là đặt vào vị trí tốt.
Vài điều kiêng kỵ
Một số sách vở và truyền tụng dân gian có thêm những lời khuyên mang tính kiêng kỵ khi bố trí khu vệ sinh, có thể lý giải dưới góc độ khoa học và kiến trúc như sau:
– Tránh đặt khu vệ sinh lên trên đầu bếp hoặc tránh nằm ngủ dưới phòng vệ sinh: khi phòng vệ sinh nằm vào vị trí hung, dĩ nhiên không gian kề cận cũng nằm trong hệ thống liên quan như đường ống, hộp kỹ thuật, thông thoáng, lối đi… Vì thế, các phòng vệ sinh trên dưới thẳng hàng nhau sẽ hợp lý về phương vị hơn. Nếu đưa bếp (Hỏa) vào khu có Thủy bên trên thì sẽ gặp xung khắc ngũ hành. Còn vị trí giường ngủ luôn cần toạ cát nên không thể trùng phương vị tọa hung của khu vệ sinh được.
– Kiêng mở cửa phòng vệ sinh thẳng với cửa chính, lối vào chính của nhà: điều này ngoài ý nghĩa về giữ gìn thẩm mỹ, che chắn tầm nhìn, còn liên quan đến trục dẫn truyền khí trong nội thất. Thay vì mở cửa trực xung đối môn rất dễ gây gió lùa, có thể đặt bình phong hoặc tạo vách ngăn che chắn nếu như không thể xoay chuyển cửa được.
– Kỵ đặt phòng vệ sinh ngay trung cung của nhà: vì phần trung tâm của mọi cuộc đất – ngôi nhà vốn thuộc Thổ (khắc Thuỷ), là nơi trang trọng và đòi hỏi sự cao ráo, sáng sủa, thoáng đãng và trang nghiêm nhất (nhà xưa luôn đặt bàn thờ tại trung cung). Nếu đặt phòng vệ sinh tại trung cung vừa làm hỏng nội khí của nhà, vừa bất lợi cho khu vệ sinh vì rất khó thông thoáng, đồng thời khu vệ sinh cũng gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ các công năng khác.
Tiện nghi và kỹ thuật
Tuy hiện nay đa số gia đình làm nhập chung cả ba tiện nghi tắm – lavabo – bàn cầu trong một phòng vì những hạn chế về diện tích và kinh phí, nhưng tốt nhất là nên tách riêng chúng ra nếu có thể bằng những cách ngăn chia “cứng” – như xây tường, làm vách kính – hoặc “mềm” như dùng rèm che, cửa lùa…
Trong khu vệ sinh, chỗ tắm thường bị tụ ẩm nên cần đánh dốc thoát nước tốt và mở được cửa sổ ra ngoài để thoáng khí và dẫn dương quang (ánh sáng mặt trời) vào nhiều hơn. Nếu muốn tách phần tắm với khu vệ sinh, có thể dùng khung cửa kính, vách di động nhằm tạo một trường khí riêng. Đơn giản hơn chỉ cần dùng tấm vải nhựa không thấm nước với ray kéo trên cao sẽ giúp kín đáo và tránh nước rơi vãi ra sàn. Những màu sắc dịu đem lại cảm giác thư giãn (như tông màu trắng và xanh thuộc các hành Kim, Thủy và Mộc là ba hành tương sinh với Thủy). Những màu đậm và ấm cũng có thể sử dụng cho phần nền và tường. Hạn chế dùng màu chói lọi hoặc quá tương phản trong khu vệ sinh vì tính thư giãn nhẹ nhàng luôn cần được tôn trọng.
Hệ thống nước phòng tắm cần luôn thông suốt, nếu có sự cố phải sửa chữa ngay, tránh tình trạng nước bị rò rỉ, thất thoát, bởi nước sinh hoạt cũng chính là nguồn khí trong nhà. Cửa khu vệ sinh hay chỗ đặt lavabo có thể nhìn thấy từ cửa chính, nhưng chỗ tắm và bàn cầu thì không nên, bởi tính riêng tư và kỵ trực xung của khu vực này. Nếu không tránh được, đặt thêm mành chắn, bình phong gỗ hay cây xanh để ngăn tầm nhìn từ cửa chính vào.